Xóa rào cản để doanh nghiệp hội nhập

Môi trường kinh doanh dù đã được cải thiện, nhưng chi phí còn cao, DN chưa sẵn sàng và thiếu thông tin về các hiệp định thương mại tự do (FTA)… là những rào cản khiến DN Việt Nam khó tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh hội nhập.

Chưa có quan điểm kinh doanh dài hạn

Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tròn 10 năm (2007 - 2017). Dù tham gia sân chơi lớn của thế giới với hàng loạt các FTA được ký kết nhưng nhiều DN vẫn còn lúng túng khi hội nhập. Kể từ năm 2007 đến nay, nền kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,29%/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu là từ khu vực FDI, trung bình đạt 25,6%/năm trong 2000 - 2006 và 11,6%/năm trong 2007 – 2016, riêng 11 tháng năm 2017 là 23,2%.

Đáng chú ý, tỷ trọng của FDI trong xuất khẩu tăng gần như liên tục, từ 47,0% năm 2000 lên 57,2% năm 2007 và 71,2% trong 11 tháng 2017 do khu vực FDI tận dụng cơ hội từ hội nhập và các FTA. Nhập khẩu của khu vực FDI gắn nhiều hơn với nhu cầu sản xuất gia công - chế biến xuất khẩu, thay vì trực tiếp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tỷ trọng của khu vực FDI trong nhập khẩu tăng từ 27,8% năm 2000 lên 34,6% năm 2007 và 60% trong 11 tháng năm 2017.
Từ số liệu cho thấy, thâm hụt thương mại của nền kinh tế chủ yếu do từ khu vực kinh tế trong nước. Nguyên nhân được Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung chỉ ra là do cách thức đầu tư kinh doanh của đa số DN trong nước chưa phù hợp với hội nhập kinh tế, đâu đó có thiên hướng đầu cơ, chụp giật. Nhất là chưa có quan điểm kinh doanh và mục tiêu dài hạn cho 10 năm, 20 năm, xa hơn là 50 năm… “Gần 2/3 số DN chưa chuẩn bị gì cho thực thi FTA, số có chuẩn bị đầy đủ hoàn toàn không đáng kể và phần nhiều là DN tư nhân trong nước. Thiếu thông tin, thiếu nhân lực và chưa biết phải làm gì là 3 khó khăn chủ yếu của DN trong nước để hội nhập”– ông Cung chỉ ra.
Tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh
Theo ông Nguyễn Đình Cung, ngược lại với giảm thuế, các rào cản phi thuế quan đến từ nhiều nguồn khác nhau, do vậy, việc dỡ bỏ đòi hỏi phải có những thay đổi về thể chế, pháp lý hoặc kỹ thuật. Do đó, ông Cung kiến nghị, Chính phủ thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế tích cực và chủ động, kết hợp với xúc tiến thương mại định hướng theo mặt hàng và thị trường cụ thể. Từ đó, cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết nhất có thể về các nội dung của từng hiệp định, những cơ hội kinh doanh và những thách thức có thể gặp phải, cũng như hướng dẫn DN tuân thủ đúng các quy định để vượt qua rào cản, tận dụng cơ hội.
Hiện nay, 2/3 số DN phải trả chi phí không chính thức lên tới 66%/năm. Bàn về một số giải pháp cụ thể giảm chi phí kinh doanh giai đoạn 2018 – 2020, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sớm có lộ trình hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3 - 1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh. Cụ thể, đối với các bộ đã rà soát, có quyết định bãi bỏ các điều kiện kinh doanh cụ thể, cần sớm xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan. Đối với các bộ chưa rà soát, chưa có kết quả rà soát, cần nhanh chóng hoàn thành. Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý Nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang hậu kiểm…

Nguồn: kinhtedothi.vn


Bài viết khác