[Văn hóa doanh nghiệp:] Xin đừng 'đánh đồng' ước mơ, xin đừng miệt thị nghề nghiệp!

Phú Thành Group luôn coi trọng yếu tố con người, đăc biết là tinh thần tôn trọng đồng nghiệp, cùng nhau phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp.
Sau đây xin trân trọng giới thiệu bài viết: Dù bạn là ai, xin đừng bao giờ đánh đồng ước mơ, xin đừng miệt thị nghề nghiệp của người khác.
Có thể họ lựa chọn tài xế xe ôm là do một lý do bắt buộc nào đó, nhưng đó là lựa chọn của họ, là cái duyên của họ với nghề. Xin đừng viết 'caption' và miệt thị lựa chọn ấy, vì bạn chẳng biết được ước mơ của họ, thậm chí bạn chẳng biết họ là ai. Hãy nhìn lại bản thân xem, bạn đã biết mình là ai và ước mơ của mình là gì chưa?

 
Bức ảnh 'Team Uber' Hà Nội xuất hiện sinh viên mặc áo cử nhân: Xin đừng 'đánh đồng' ước mơ, xin đừng miệt thị nghề nghiệp!
Bức hình kỷ niệm của team Uber Hà Nội có cả sự xuất hiện của tập thể các bạn sinh viên sắp ra trường trước thềm Nhà Hát Lớn Hà Nội.
 

Ngày hôm qua, tôi thấy bức hình này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Có một vài người còn để caption rằng: "Tương lai của các em sinh viên".

Có thể, với họ, đó là một câu bông đùa, vô hại. Nhưng, với tôi, đó là sự tổn thương.

Vẫn biết rằng trên mạng xã hội, nhất là trên Facebook, người ta được thoải mái ngôn luận, chẳng ai có thể bắt họ phải nói thế này nói thế kia theo một quy chuẩn. 

Tôi vốn nghĩ đây chẳng phải một lời bông đùa hay ho, bởi trong bức ảnh trước thềm Nhà Hát Lớn kia, mỗi nhân vật đều đang có những cảm xúc riêng và những cảm xúc ấy nên được trân trọng. 

Những em sinh viên mặc áo cử nhân đang chụp ảnh kỷ yếu kia vừa cảm thấy lo lắng vừa cảm thấy hồi hộp không biết khi tốt nghiệp ra trường, mình sẽ làm gì. Có thể ngày hôm ấy, các em mặc những bộ quần áo đẹp nhất, được trang điểm lung linh. Nhưng những gì còn sót lại trong tâm trí các em những ngày sau đó là tiếc nuối ngày còn được đi học, gặp bạn bè, được nghe thầy cô giáo giảng, là mong chờ ngày ra trường, mình sẽ làm gì, ở đâu, có được làm công việc mình thích không hay phải bỏ dở đam mê để đi theo nghề mà bố mẹ muốn...

Còn những tài xế công nghệ kia đang cùng nhau chụp bức ảnh cuối cùng trước ngày Uber rút khỏi Việt Nam, nhường thị phần cho Grab. 

Có thể ngày hôm ấy, họ mặc chiếc áo đồng phục quen thuộc, đội chiếc mũ bảo hiểm quen thuộc, cười nụ cười tươi tắn khi gặp những đồng đội của mình. Nhưng những gì còn ẩn chứa trong lòng họ là cảm giác phải rời xa một thứ đã đi cùng mình trong một thời gian khá dài, là cảm giác phải chia tay mà có thể mãi mãi không được gặp lại, là cảm giác chưa biết ngay mai có quyết định theo tiếp con đường này hay không...

Bức ảnh Team Uber Hà Nội xuất hiện sinh viên mặc áo cử nhân: Xin đừng đánh đồng ước mơ, xin đừng miệt thị nghề nghiệp! - Ảnh 1.

Các tài xế Uber Sài Gòn cùng nhau chụp ảnh vào ngày 8/4 vừa qua.

"Uber sẽ sống mãi trong lòng anh em đối tác tài xế như tụi tôi. Mong khách hàng thấu hiểu và nhớ về anh em tài xế Uber vì tinh thần Uber vẫn còn sống mãi với trong lòng tụi tôi", một tài xế ngậm ngùi chia sẻ.

Mỗi người một câu chuyện, bỏ qua chuyện công việc hay cuộc sống mưu sinh, họ lại ngẫu nhiên chọn cùng một thời gian và địa điểm để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ. 

Nhưng, theo tôi, người dùng mạng xã hội đừng nên "đánh đồng" những số phận trong bức ảnh kia, bởi lẽ đó sẽ có thể là một vết thương trong lòng họ. Chúng ta cứ mải mê nói những lời chúng ta muốn, trêu đùa theo ý của ta, nhưng tôi chắc hẳn, ít người biết được là, không chỉ những lái xe Uber mà còn cả những khách hàng thân thiết của ứng dụng công nghệ này cũng cảm thấy nuối tiếc và buồn.

Sinh viên vẫn chỉ là sinh viên, những người vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, chắc là họ đang rất phân vân trong việc chọn ngành chọn nghề mà mình sẽ theo đuổi trong thời gian tới; trong họ vẫn còn bao hứng khởi với bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời.

Còn những lái xe công nghệ kia, họ đang phải kìm nén những tiếc nuối, những xúc động khi phải thốt ra một lời từ biệt, những lưỡng lự bởi thứ tình cảm gắn bó với một thương hiệu không dễ gì mà thay đổi. 

Có thể họ lựa chọn tài xế xe ôm là do một lý do bắt buộc nào đó, nhưng đó là lựa chọn của họ, là cái duyên của họ với nghề. Xin đừng viết caption và miệt thị lựa chọn ấy, vì bạn chẳng biết được ước mơ của họ, thậm chí bạn chẳng biết họ là ai, và cũng bởi tôi biết rất nhiều người vẫn giữ những nhìn nhận cũ kĩ về nghề này. Hãy nhìn lại bản thân xem, bạn đã biết mình là ai và ước mơ của mình là gì chưa?

Đôi khi chúng ta cứ vô thưởng vô phạt làm những điều mình muốn rồi chẳng suy nghĩ xem hậu quả như thế nào...

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Ninh Linh

Theo Trí Thức Trẻ


Bài viết khác