Khi các lô hàng thử nghiệm ban đầu thành công, các hợp đồng lớn hơn sẽ được ký kết và giá xuất khẩu sang Australia tốt hơn các thị trường lớn khác
Australia là một thị trường có sức mua khá lớn và có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2017, Australia nhập khoảng 9,32 tỷ USD các sản phẩm dệt may từ thế giới, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 173 triệu USD, chiếm khoảng 1,9% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may từ thế giới. Các sản phẩm dệt may có kim ngạch lớn nhất của Australia chủ yếu là các sản phẩm quấn áo và hàng may mặc phụ trợ không dệt kim…
Thị trường khó tính
Theo ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), để thâm nhập có hiệu quả hơn nữa đối với thị trường Australia, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không chỉ phải tích cực quảng cáo, tiếp cận thị trường mà còn cần hiểu đặc điểm chung của thị trường này. Các đơn hàng khởi đầu với quy mô khá nhỏ để tìm hiểu khả năng của nguồn cung cũng như khả năng chấp nhận của thị trường.
“Có một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam bỏ qua thị trường Australia vì lý do này. Tuy nhiên, khi các lô hàng thử nghiệm ban đầu thành công, các hợp đồng lớn hơn sẽ được ký kết và giá xuất khẩu sang Australia cũng tốt hơn một số thị trường lớn khác. Ngoài ra, khi đã tin tưởng, các nhà nhập khẩu Australia sẽ làm ăn lâu dài, ít khi thay đổi bạn hàng”, ông Nam thông tin.
Đại diện một doanh nghiệp đang có hợp tác xuất khẩu với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, ông Thái Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Yến Dương (Bắc Ninh) cho biết, doanh nghiệp chưa có hợp tác với thị trường Australia nhưng qua tìm hiểu, Australia là thị trường khó tính hơn các nước khác. Australia là quốc gia có thu nhập đầu người rất cao, có sự khắt khe về mọi vấn đề liên quan đến sức khỏe cũng như những chi tiết, gu thẩm mỹ cũng hơi khác so với các nước. Do đó, đây sẽ là thị trường rất khó tính với ngành dệt may Việt Nam.
Theo kinh nghiệm của ông Dương, để tiếp cận thị trường khó tính, các doanh nghiệp phải cố gắng bằng sự nỗ lực của chính bản thân. Trong đó, tập trung vào nghiên cứu gu thị trường của người Australia để phát triển. Đặc biệt đội ngũ maketing, thiết kế ngành dệt may đều phải tìm hiểu vấn đề này. Tay nghề công nhân dệt may cũng cần phải trau dồi thêm, đồng thời doanh nghiệp dệt may phải đầu tư thêm máy móc hiện đại hơn thì mới có thể đáp ứng được.
“Đối với gu thời trang của Australia thì cách ăn mặc không rườm rà như những nước khác nhưng lại tập trung vào các tiểu tiết và độ phức tạp, đường kim mũi chỉ, giá cả khác hẳn so với các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Người Australia cầu kỳ, trông đơn giản nhưng thực chất họ có chiều sâu. Khi mở rộng thị trường này, doanh nghiệp dệt may có thể nhập khẩu nguyên liệu từ Australia, ví dụ như len, sợi... từ đó dệt may Việt Nam có sự lựa chọn về nguồn nguyên liệu từ đó có cơ hội mớ rộng xuất khẩu tại thị trường này”, ông Dương cho biết.
Cũng theo ông Dương, Hiệp định CPTPP sẽ mở ra nhiều thị trường mới cho các doanh nghiệp Việt Nam về xuất khẩu cũng như nhập khẩu. Đối với các doanh nghiệp dệt may hiện nay, có những nguồn nguyên liệu đang bị gò bó, đa số là nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… nên việc xúc tiến mở rộng nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường Australia là một việc làm trước mắt nên cần được chú ý.
Thị trường lớn và giàu tiềm năng
Còn theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp định CPTPP đã mở ra những cơ hội to lớn cho sự phát triển của Việt Nam nói chung. Đối với ngành dệt may, cơ hội từ Hiệp định CPTPP là rất lớn khi mở ra nhiều thị trường xuất khẩu mới, đặc biệt là một số thị trường Việt Nam chưa ký được FTA như Canada, Mexico và Peru…
Riêng đối với thị trường Australia, đến nay Việt Nam có FTA giữa ASEAN và Australia, tuy nhiên cho đến nay có do nhiều nguyên nhân, sản phẩm dệt may tại thị trường Australia chưa được khai thác được như kỳ vọng.
“Khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, hy vọng thị trường Australia sẽ được khai thác tốt hơn. Xuất khẩu dệt may vào Australia mỗi năm mới đạt khoảng trên 200 triệu USD là con số khá khiêm tốn. Với mục tiêu phát triển thời gian tới để đạt được mức tăng trưởng trên dưới 10%/năm, ngành dệt may Việt Nam phải tập trung vào khai thác tốt thị trường trong khối CPTPP, trong đó có Australia”, ông Cẩm cho biết.
Cũng theo ông Cẩm, tiềm năng của thị trường Australia trong khối CPTPP có kim ngạch nhập khẩu khá lớn hàng dệt may. Mỗi năm nhập khẩu khoảng gần 9 tỷ USD nên đây là thị trường lớn và tiềm năng, nhưng hiện nay doanh nghiệp dệt may Việt Nam khai thác chưa nhiều và chưa tìm hiểu về thị trường này. Vì thế, doanh nghiệp dệt may chưa có điều kiện tiếp cận để hiểu sâu xem họ cần gì và Việt Nam có gì để xuất khẩu.
Ông Cẩm cũng lưu lý đối với các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam, đó là mỗi thị trường đều có đặc thù riêng nên, riêng với các doanh nghiệp ngành dệt may, điều cốt yếu nhất là phải tìm hiểu xem thị trường này nhu cầu thế nào. Hệ thống phân phối và bán lẻ thế nào để tìm cách thâm nhập. Mức tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may tại thị trường này hiện nay vẫn ở mức độ dưới 10%. Sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, hy vọng mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sẽ cao hơn./.
Dệt may Việt Nam xây dựng thương hiệu mạnh để cạnh tranh VOV.VN - Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và các đơn vị thành viên cần có định hướng chiến lược xây dựng những thương hiệu dệt may mạnh.