DN Dệt may và gánh nặng BHXH cùng chế độ người lao động
DN dệt may và gánh nặng bảo hiểm – chế độ cho người lao động.
Hiệp hội dệt may Việt Nam vừa đưa ra nhiều kiến nghị về sửa đổi các quy định liên quan đến bảo đảm quyền lợi của người lao động. Theo quan điểm chung, Hiệp hội ủng hộ các chính sách phát triển bền vững, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, nếu chính sách vượt quá sức chịu đựng của DN thì sẽ suy giảm sức cạnh tranh của DN, thậm chí khiến DN ngày càng thui chột dẫn đến phá sản. Điều này sẽ có hại cho cả người lao động, DN và nền kinh tế.


Đóng bảo hiểm cao không chỉ có hại DN
Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức đóng bảo hiểm xã hội gồm (BH hưu trí, BH y tế, BH thất nghiệp) tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN, khi lên tới 32,5% mức lương tháng. Hiện tại DN phải nộp tổng cộng 22% (18% BH hưu trí, 3% BH y tế, 1% BH thất nghiệp). NLĐ phải nộp 10,5% (8% BH hưu trí, 1,5% BH y tế, 1% BH thất nghiệp), chưa kể 3% phí công đoàn. Trong khi đó, cùng khu vực, Malaysia chỉ phải đóng BHXH chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%, còn Thái Lan 5%....
Mặc dù đã được giãn lộ trình, từ 1/1/2018 trở đi, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, DN mới phải đóng BHXH dựa trên tổng thu nhập của người lao động thay vì chỉ căn cứ trên lương cơ bản hoặc lương tối thiểu vùng như Luật cũ. Nhưng điều này sẽ khiến chi phí của các DN tăng rất cao.
Đại diện Bộ LĐ-TB-XH, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng đồng cảm, với các khoản đóng BHXH 32,5% lương, cộng thêm phí công đoàn, đã tác động lớn tới chi phí đầu vào của DN. Theo đúng quy định của Luật BHXH 2014, từ 01/1/2018, DN và người lao động phải đóng theo lương cộng thêm các khoản phụ cấp, khiến tăng chi phí DN tăng đáng kể. Điều này đồng nghĩa với xu hướng tất yếu là làm giảm khả năng cạnh tranh của DN. Chính vì vậy, theo ông Huân, có thể một số DN vẫn chịu được nhưng vẫn phải theo dõi. Nếu nhiều DN chưa thể đáp ứng được thì lộ trình sẽ phải lùi lại.
Nhiều DN dệt may không khỏi hoang mang nếu chính sách BHXH mới có hiệu lực thì sẽ phải sa thải bớt bao nhiêu công nhân, hay giảm các phụ cấp để bù đắp chi phí BHXH? Thực tế, với không ít DN, chi phí lương gắn liền với chi phí đóng BHXH và sẽ không thể tăng được nữa. Vậy thì cách thức duy nhất chỉ còn là co kéo vào chính lương của công nhân. Chi phí BHXH tăng lên thì lương công nhân sẽ phải giảm đi. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người làm việc có năng lực sẽ chuyển sang tìm công việc khác và DN mất người.
Hình ảnh có liên quan

Và nhiều khó khăn khác
Cái vòng luẩn quẩn từ BHXH đến lương người lao động cứ quanh đi rồi quay lại. Với những ngành thu hút nhiều lao động như dệt may, da giày… thì vai trò chính hiện nay là giải quyết công ăn việc làm cho nền kinh tế. Ông Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, câu chuyện về mức đóng BHXH, phí công đoàn của DN quá cao đã nói rất nhiều. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng chỉ là một khu vực chịu tác động bởi các chính sách này. Những kiến nghị của Hiệp hội Dệt may VN cũng chỉ là đại diện cho nhóm những DN đang sử dụng nhiều lao động và phải chịu tác động mạnh mẽ của quá trình hội nhập.
Theo kiến nghị của Hiệp hội Dệt may VN, Nhà nước cần nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm như mức trước năm 2010. Theo đó, người sử dụng lao động chỉ phải đóng 19% (15% BH hưu trí, 3% BH y tế và 1% BH thất nghiệp) còn người lao động đóng 7% (5% BH hưu trí, 1% BH y tế và 1% BH thất nghiệp). Với mức đóng trên tổng thu nhập thì vẫn cao hơn 32,5% lương cơ bản. Tuy nhiên, DN vẫn còn có sức để chịu đựng được.
Ngoài ra, các DN dệt may hiện nay đang bị vướng vào một gánh nặng thủ tục không cần thiết. Theo phản ánh của nhiêu DN, hiện nay, người lao động tự ý bỏ việc khá nhiều, nhất là lao động phổ thông.
Một quy định mà hiện cũng không có tính khả thi đó là Điều 152 Bô luật Lao động quy định về khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần. Quy định này được các DN trong nhiều lĩnh vực cho rằng không cần thiết. Đặc biệt, đối với các DN như dệt may có hàng ngàn công nhân là khó thực hiện. Hiệp hội Dệt may VN kiến nghị, quy định thời gian khám sức khỏe định kỳ là 1 năm 1 lần như cũ là hợp lý.
Hiện DN rất khó khăn khi thực thi Bộ luật Lao động, bởi làm bất cứ việc gì cũng luôn phải tra cứu cùng lúc nhiều nghị định, thông tư. Nếu ngay từ khi ban hành có sự bao quát đầy đủ và thận trọng hơn, thì DN sẽ đỡ vất vả khi tra cứu.
Bài viết khác